Tôi sẽ giả bộ quên em, giả bộ rằng em đã mang quá khứ của tôi và em đi xa, như chim di cư tránh rét, giả bộ rằng em đã đi qua mùa đông lạnh giá, đón mùa xuân nắng ấm, tôi sẽ giả bộ đến mức tự cho rằng tất cả đều là thật! Sau đó, chúc em mãi mãi hạnh phúc !
____ “Mũi biển số 7”___
Cát bụi
Anh có nhìn thấy biển dưới trời sao?
Trong màn đêm sâu hút mênh mang, không nhìn thấy chân trời, chỉ có nước biển xanh ngắt dợn lên vô vàn vô vàn những con sóng lăn tăn, những con sóng nhuộm ánh trăng bạc sáng chói, lóng lánh lóng lánh như có viên ngọc khổng lồ sáng rực giấu dưới đáy biển. Rừng tràm ven bờ nhập nhòa như màu mực loang, còn không trung lại là màu xám, ngoài ánh trăng, cái gọi là trời biển một màu thực ra là màu chì xám, xám đen như quánh lại, xám đến mức khiến người ta rơi vào nỗi tuyệt vọng khôn cùng.
Bao năm rồi, Mao Lệ không dám một mình ngồi trước biển đêm, cô sợ màu biển như thế này. Nước biển giống hệt con mắt của quỷ, nó sẽ mê hoặc linh hồn con người, sẽ lôi tuột người ta xuống đáy sâu. Trong những đêm cô đơn, cô thường nhắm nghiền mắt trong nỗi sợ hãi như thế, lắng nghe tiếng sóng xô vào vách đá, gầm gào, lồng lộn như muốn cùng vách đá đi về vô tận. Trong một thoáng, chính trong một thoáng khi con sóng xô vào vách đá, thậm chí cô có thể nghe thấy tiếng nước tung lên, nở bùng một chùm hoa trắng xóa trên không. Còn gió thổi lên từ mặt biển rất mát, rất lạnh, mang vị mặn đặc trưng của biển, bất giác khiến người ta miên man suy tưởng, nước biển dưới ánh mặt trời, có thể nảy sinh sự sống, còn nước biển dưới màn đêm có phải sẽ biến thành nơi trú ngụ của những linh hồn bơ vơ? Những cơn gió biển mát lạnh đó, có lẽ hoàn toàn không phải là gió, mà giống như những linh hồn bơ vơ, do không có chốn quay về nên mải miết đi tìm nơi trú ngụ. Điều đó khiến Mao Lệ sợ hãi tột cùng, cô không muốn trở thành nơi trú ngụ của những linh hồn bơ vơ, hai năm trước cô đột ngột chuyển khỏi căn biệt thự ven biển đó. Tiếng sóng vỗ thoảng hoặc nghe thấy có lẽ là trong mơ.
Bây giờ, Mao Lệ sống trong căn hộ hơn 60 mét vuông trên đường Dân Tộc, một con phố sầm uất ở Nam Ninh, bài trí trang nhã, vô cùng dễ chịu. Chủ yếu nhất là tự do, nói như câu cửa miệng của cô, làm bừa làm bậy gì cũng không ai quản. Mao Lệ nổi tiếng ham chơi. Ngoài công việc, phần lớn thời gian đều chơi, hoặc trên đường đi chơi. Mặc dù Nam Ninh không phải là thành phố lớn, nhưng vô cùng náo nhiệt , cuộc sống ban đêm cực kỳ phong phú. Đương nhiên cô lựa chọn lang thang ở Nam Ninh, không chỉ bởi vì đây là thiên đường của cuộc sống ban đêm, mà còn vì chỗ này rất gần Bắc Hải quê mẹ. Những khi cô dở tỉnh dở say, dở sống dở chết, có thể tìm mẹ để dốc bầu, kể khổ. Đương nhiên mỗi lần đều khó tránh bị mẹ mắng một trận tơi bời.
Cha mẹ li hôn lúc Mao Lệ bốn tuổi, bây giờ cha đang kinh doanh chuỗi nhà hàng ven biển, làm ăn lớn, rất giầu có. Hôn nhân của cha mẹ Mao Lệ là kiểu hôn nhân trí thức –bần nông điển hình, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, một người là nòi giống “chó má” của tư sản Thượng Hải, một người là con gái của ngư dân “hạt giống đỏ”, thời kỳ đó cha lấy mẹ còn được coi là “với cao”. Nhưng kiểu hôn nhân thiếu hòa hợp tinh thần đó tồn tại không lâu, sau khi “Cách mạng Văn hóa” kết thúc, hàng loạt thanh niên trí thức trở về thành phố, khiến hàng loạt những gia đình khấp khểnh như vậy ly tán, hôn nhân của cha mẹ cô cũng không ngoại lệ. Nhưng cũng đành, bởi cha cô từ nhỏ được tiếp thu giáo dục phương Tây, vô cùng lưu luyến lối sống tiểu tư sản Thượng Hải, không thể hòa hợp với mẹ cô, văn hóa chỉ hết bậc tiểu học, kết hôn tám năm cãi nhau tám năm, vừa bằng thời gian một cuộc kháng chiến.
Mao Lệ ở với mẹ, anh trai Tam Tấn đi với cha, từ nhỏ theo cha hưởng thụ lối sống “suy đồi trụy lạc” của Thượng Hải, bây giờ đã là đại công tử nổi danh mười dặm. Số Mao Lệ không tốt như thế, từ nhỏ thường xuyên nghe mẹ đay nghiến: bố cô là kẻ vô lương tâm, bỏ rơi hai mẹ con, sau này lớn lên cấm không được nhìn mặt ông ta. Mao Lệ tưởng thật, thề với mẹ nhất quyết không nhận cha, cho dù chết đói cũng ở bên mẹ. Khi lớn lên Mao Lệ mới biết, thực ra cha vẫn đấu tranh để được nuôi cô, nhưng mẹ cô không chịu. Để tranh đấu lâu dài với cha, thậm chí mẹ mang theo cô đi tái giá, cha dượng cũng có ba con gái.Một nhà sáu nhân khẩu, mặc dù kinh tế không dư dả, nhưng bọn trẻ tương đối hoà thuận, mỗi lúc nô đùa là như vỡ nhà. Mẹ cô tự hào nói với hàng xóm, nhìn kìa, một lũ khỉ con…Tiếc là ngày vui không kéo dài, năm Mao Lệ vào trung học được cha đón về Thượng Hải nghỉ hè, từ đó một đi không trở lại, lời hứa ban đầu với mẹ đã bay theo gió, nhất quyết đi theo người cha giàu có.
Nhưng cũng khó trách sự “phản bội” của Mao Lệ, cha cô quá giàu, trong khi hoàn toàn có thể làm công chúa, ai muốn làm con gái người đánh cá, huống hồ từ nhỏ cô đã phải chịu đủ sự quản giáo khắt khe của mẹ, đến Thượng Hải thoát khỏi những trận rầy la triên miên còn gì sung sướng tự do hơn. Chỉ có điều Mao Lệ chơi quá đà, học đại học ở Thượng Hải không lấy nổi tấm bằng tốt nghiệp, năm thứ ba đã vội bỏ học lấy chồng.
Thực ra cô lấy chồng cũng rất khá, là một người Malai gốc Hoa, nghe đồn rất giàu có gia thế hiển hách. Có điều cuộc hôn nhân đó chỉ kéo dài ba năm, Mao Lệ đột nhiên một mình trở về nhà, bây giờ là biên tập viên một nhà xuất bản ở Nam Ninh, ban ngày mộng du ban đêm mục nát.
Ba năm trôi qua, ngoài nỗi buồn ập đến lúc đêm vắng, Mao Lệ suýt quên cô từng kết hôn. Chính vì vậy cô luôn thích ồn ào, ban đêm rất sợ một mình, ngủ cũng bật đèn, lên giường phải uống thuốc ngủ, sau đó mê mệt thiếp đi đến sáng, thức dậy đi làm, hết giờ là đi chơi. Ngày lại ngày, không cho phép mình một phút nhàn rỗi, cứ nhàn rỗi là nghĩ vẩn vơ, bồn chồn khó chịu như có ngàn con kiến đốt trong lòng.
Bạch Hiền Đức thường nói, sớm muộn cô cũng chết vì chơi.
Bạch Hiền Đức là trưởng ban biên tập, sếp trực tiếp của cô.
nhưng Mao Lệ chưa bao giờ gọi là sếp, thường thân mật gọi là chị Bạch, lúc không hài lòng gọi thẳng cả tên lẫn họ, lúc cợt nhả gọi “người yêu” còn cố tình nói giọng ỏn ẻn làm nũng. Mỗi lần thấy cô gọi như vậy, Bạch Hiền Đức lại nâng cao cảnh giác như phản xạ có điều kiện. Lập tức nghĩ ngay, con bé nhất định lại có chuyện cần xin sỏ, không giả ốm xin nghỉ thì viện lý do có việc cần về sớm, hoặc lười không chịu đọc bản thảo, bài không viết. Bạch Hiền Đức vừa lẳng lặng thu dọn đống đổ nát của cô vừa đối phó với lãnh đạo. Lâu dần bại lộ, người “chịu đòn” là Bạch Hiền Đức. Mỗi lần Bạch Hiền Đức nghiến răng định tính sổ với cô, Mao Lệ luôn cười khanh khách,“Người yêu ơi, đừng quên chính mình đã đưa em vào đây, đương nhiên mình phải chịu trách nhiệm.”
Chỉ một câu đã dồn Bạch Hiền Đức vào chân tường, còn nói gì nữa, quả đắng này tự cô chuốc lấy. Hai năm trước, chính Bạch Hiền Đức qua phỏng vấn trực tiếp đã nhận Mao Lệ vào làm ở nhà xuất bản, kết quả đã rước về một mối họa, Bách Hiền Đức luôn với với Mao Lệ, cô đúng là mối họa!
Mao Lệ trở thành biên tập viên được hai năm, nổi tiếng khắp nhà xuất bản bởi khuôn mặt “phi nhân loại” và thói chịu chơi. Thế nào là khuôn mặt “phi nhân loại”? không ngoài ba tầng nghĩa, hoặc là thiên sứ, hoặc là ma quỷ hoặc là yêu tinh, rõ ràng Mao Lệ tương đối phù hợp với tầng nghĩa thứ ba. Cũng phải thôi, ngay từ lúc đi mẫu giáo cô đã được mọi người yêu thích, bố mẹ và anh trai càng khỏi nói, coi cô như báu vật. Mao Lệ tính ngang ướng không chịu thua ai, phần nhiều là do được chiều chuộng sinh hư.
Lúc nộp hồ sơ Mao Lệ không dán ảnh, đến khi phỏng vấn trực tiếp, Bạch Hiền Đức mới ngẩn người xuýt xoa, quả xứng là tiên nữ! Nhưng lại băn khoăn, người đẹp như thế sao không dự tuyển MC, lại thích làm biên tập viên! Sau khi trở thành một trong ba ứng viên lọt vào vòng trong, Bạch Hiền Đức yêu cầu cô dán ảnh vào hồ sơ, chuyển cho trưởng ban Dung Nhược Thành, ông đọc lướt lý lịch, nhìn vào ảnh cau mày “Chúng ta tuyển biên tập viên đâu phải thi hoa hậu, cần người đẹp thế làm gì?” Thực ra, về ngoại hình Mao Lệ không phải là tuyệt sắc, nhưng có làn da tuyệt hảo, không trang điểm, vẫn sáng mịn như ngọc, mắt vời vợi lóng lánh như sao, miệng tươi, dáng uể oải bất cần, chính vẻ uể oải đó khiến cô có sức quyến rũ ma quái.
Cuối cùng Mao Lệ tiểu thư tuy học vấn chỉ ở mức “nợ bằng đại học” (như cô ghi trong hồ sơ) lại đánh bật vô số cử nhân, thạc sỹ chiếm được cảm tình của trưỏng ban biên tập Bạch Hiền Đức không phải vì đẹp mà vì phong cách khác người. Thế nào là “phong cách khác người”? Chính là sự thẳng thắn dạn dĩ mà Bạch Hiền Đức cho là rất cần thiết để “nghênh chiến” với các tác giả đến hẹn không chịu giao bản thảo. Thực tế chứng tỏ trưởng ban Bạch đã không nhìn nhầm. Tất cả những bản thảo quan trọng của những tác gia quan trọng, chỉ cần Mao Lệ xuất chiến, không vụ nào không thành. Ngay phó tổng biên tập Dung Nhược Thành vốn rất kiệm lời khen cũng phải khen cô, nhân tiện cũng khen Bạch Hiền Đức, “Cô tinh mắt đấy.”
Bạch Hiền Đức lại có nỗi khổ khó nói, về công việc Mao Lệ không có gì đáng phàn nàn, trong mười mấy biên tập viên dưới quyền, thành tích của Mao Lệ vẫn đứng đầu. Chỉ có điều cô ta quá ham chơi, suốt cả ngày không lúc nào nghiêm túc, làm hư cả mấy cô cùng ban. Trong giờ làm việc còn đỡ, vừa hết giờ là kéo cả bọn đi chơi. Bạch Hiền Đức lần nào cũng bị kéo đi, ăn chơi nhảy múa, khiến uy tín của cô ảnh hưởng không ít, có lúc rõ ràng nghiêm mặt muốn giáo huấn nhân viên, Mao Lệ chỉ chêm vài câu đùa là trở thành trò cười.
Nhưng cũng đành bất lực, bởi Mao Lệ xinh đẹp, lại vô tư, nói cho hay một chút là không ham hố danh lợi, nói không hay là không có chí tiến thủ, chỉ thích chơi, cho nên chẳng xung đột lợi ích với ai, người như vậy đương nhiên ai cũng thích.
Có điều, những năm vừa rồi, trải qua nhiều chuyện, tính cách cô đã thay đổi, thái độ ứng xử cũng khác, biết kiềm chế hơn, chín chắn và điềm đạm hơn. Duy nhất không đổi là khuôn mặt “phi nhân loại” đó, sắp hai lăm tuổi, mặc dù thương xuyên thức đêm, nhưng da vẫn trắng bóc mịn màng, đẹp hoàn hảo. Đặc biệt nhất là đôi mắt, đó là kiểu mắt phượng điển hình, khuôn mắt dài, hơi xếch, hễ cười là lóng lánh như sao, theo cách nói văn chương, đó là đôi mắt đào hoa, phong lưu bẩm sinh. Nhất là lúc hé cười, cằm dưới hơi hếch, một đường cong hoàn hảo của khóe mắt, trông tuyệt vời quyến rũ. Theo cách nói của Bạch Hiền Đức, lúc đi làm là người, hết giờ là yêu tinh, uể oải đứng tựa vào chiếc xe Lexus màu trắng của cô, cặp mắt phượng khẽ liếc, đích thực là tai họa! Tai họa.
Ở nhà xuất bản, đồng nghiệp gọi cô một cách thân mật là “Mao Mao”.
Đây là tên thân mật của Mao Lệ, đầu tiên ngoài người nhà, không ai biết. Từ khi có lần mẹ Mao Lệ đến Nam Ninh tìm cô, còn chưa thấy người đã thấy tiếng gọi ầm hành lang, “Mao Mao! Mao Mao!”Cái tên “Mao Mao” bắt đầu được gọi từ đấy.
Hôm đó là một ngày đặc biệt, sở dĩ đặc biệt là bởi vì nhìn có vẻ rất bình thường, nhưng lại tiềm ẩn một vẻ bất thường nào đó, cuộc sống vô vị bao năm của Mao Lệ bắt đầu thay đổi chính từ ngày đó.
Do tối hôm trước cùng mấy bạn hữu chơi rất khuya ở vũ trường, Mao Lệ dậy muộn, lái xe đi làm lại bị tắc đường, vậy là đến muộn. Vốn dĩ cũng chẳng sao, nhưng lần này lại quá xúi quẩy, chạm trán liền mấy vị lãnh đạo trong thang máy. Giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên tập và mấy chủ nhiệm các phòng ban đang cười nói đi vào thang máy. Mao Lệ thấy vậy định tránh nhưng không kịp, tổng biên tập Hứa Mậu Thanh nhìn thấy cô đầu tiên, niềm nở gọi, cô đành đi vào.
Ở nhà xuất bản Hứa Mậu Thanh là nhân vật đặc biệt, từng du học ở Mỹ, phong cách làm việc, lối sống và tư duy rất Tây, ưa giao du, chủ trương để nhân viên làm việc với tâm thái thoải mái nhất, mới có hiệu quả tốt, cho nên trong quan hệ với cấp dưới luôn vui vẻ bình đẳng tôn trọng. Nguy hiểm hơn nữa, ông lại là bậc phong lưu đích thực, tuổi ngoại tứ tuần, ngoại hình rất giống Tiểu Lương (minh tinh Lương Triều Vỹ) và…cái này mới thật đáng kể, không chỉ điển trai, ông còn rất giàu. Tuy chức vụ cao nhưng nghề “tay trái” cũng lắm, bất động sản, cổ phiếu, chơi rất thạo, hầu bao lúc nào cũng nặng. Một người đàn ông như thế, khiến phụ nữ cảm thấy không an toàn, cho nên sếp Hứa đáng thương đến giờ vẫn độc thân, mỹ nhân vây quanh ông ta hoặc thích ông, hoặc thích ví tiền của ông, không ai thực sự muốn lấy ông, đương nhiên Hứa soái muốn hưởng thụ cuộc sống độc thân cũng là một lý do.
Hứa Mậu Thanh không giấu diếm sự ngưỡng mộ đối với Mao Lệ. Cũng phải nói thêm là hai năm trước chính ông đã quyết định tuyển dụng cô, với lý do, “Người đẹp như thế có khi là tai họa, để khỏi gây họa cho người, cứ để cô ấy gây tai họa cho chúng ta. Mọi người cần phát huy tinh thần hy sinh.” Lúc này ông nheo mắt nhìn cô, tươi cười: “Hôm nay cô đẹp thế này, thơm phưng phức, dùng nước hoa số 19 phải không!”
Lương Tử Khôn ở bộ phận phát hành, ghé sát cô hít hít, “Òa, thơm thật.”
Mao Lệ vốn đã nhấc chân định đá anh ta, lại phát hiện trưởng phòng biên tập Dung Nhược Thành đứng cạnh Lương Tử Khôn. Mọi người trong thang máy đều cười, chỉ mình ông vẫn nghiêm mặt, cô lại e dè lui vào một góc.
Trong nhà xuất bản, ngoài giám đốc Vượng, phó tổng phòng biên tập Dung là người nghiêm túc nhất, chỉ cần có mặt ông ta, Mao Lệ tuyệt nhiên không dám cười đùa. Mỗi lần Mao Lệ quậy quá độ, Bách Hiền Đức thường đem Dung Nhược Thành ra dọa, “Sếp Dung kìa!” Mao Lệ lập tức dáo dác ngó quanh, hốt hoảng như chuột nhìn thấy mèo. Lâu dần Dung Nhược Thành được đặt biệt hiệu là “Mèo đại nhân” còn Mao Lệ bị cả phòng biên tập gọi là “Chuột tiểu thư”.
Không ngờ Mao Lệ lại thích biệt hiệu đó, dùng nó làm nick của mình trên MSN, ngay avatar của MSN cũng là hình con chuột rất đáng yêu. Bởi vì thật chùng hợp cô cầm tinh con chuột, thường mặc áo phông in hình chuột Mickey, dây đeo ba lô, khuyên tai và các đồ chơi bé xíu bằng nhung treo trên xe đa phần đều là hình chuột Mickey xinh xắn. Có điều lạ, Hứa Mậu Thanh và Dung Nhược Thành, tuy tính cách trái ngược nhưng quan hệ rất tốt. Hứa Mậu Thanh lúc này vỗ vai Dung Nhược Thành nói vui: “Mọi người có thấy đồng chí Dung của chúng ta diễm phúc nhất không, làm việc ngay sát phòng cô gái đẹp nhất nhà xuất bản chúng ta.”
Mọi người cười ồ, Dung Nhược Thành vẫn im lặng.
“Ting” một tiếng, thang máy dừng lại ở tầng bốn, đó là phòng biên tập. Dung Nhược Thành nghiêm nghị bước ra, xưa nay ông chưa bao giờ nói đùa, nhất là kiểu đùa về quan hệ nam nữ.
Mao Lệ đi theo ông như đứa trẻ có lỗi, cô đi rất chậm, bởi vì muốn vào phòng làm việc của cô phải đi qua phòng của Dung Nhược Thành. Cô định chờ ông ta đi vào, rồi mới vào phòng mình. Hôm nay bị bắt quả tang đi làm muộn, cô không muốn rắc rối thêm, có điều cái hành lang bình thường chỉ nhảy vài bước là hết, hôm nay không hiểu tại sao lại dài đến thế, Dung đại nhân hình như cũng đi chậm hơn mọi khi, bước chân ngập ngừng như đắn đo. Gần đến cửa phòng làm việc, ông đột nhiên ngoái lại, khiến cô giật nảy mình. Miệng thoáng cười, ông bảo cô:
“Vào đây đã, tôi có chuyện muốn nói.”
Hỏng rồi, tai họa vẫn không tránh được! Đúng lúc đó Bách Hiền đức ôm chồng bản thảo ra khỏi phòng, thấy Mao Lệ nhăn nhó vì bị sếp “mời” vào nói chuyện, vừa ngạc nhiên bộc lộ mối cảm thông sâu sắc.
Mao Lệ giờ tay làm động tác cắt cổ, Bạch Hiền Đức cười phá lên.
“Đóng cửa đi.” Dung Nhược Thành đã vào phòng làm việc, nói với cô.
Mao Lệ thầm nghĩ, phen này chết rồi, lại còn đóng cửa. Xưa nay ông luôn giữ ý, khi nói chuyện công việc với các cô gái trẻ trong ban, cửa phòng bao giờ cũng mở. Hôm nay lại bảo đóng cửa, chỉ vì cô đi làm muộn sao? Dung Nhược Thành ngồi vào chiếc ghế trước bàn làm việc, ra hiệu bảo cô đi đến, Mao Lệ luống cuống, thấp thỏm ngồi đối diện với ông qua chiếc bàn. Cô cảm nhận ngay bầu không khí hôm nay có gì khác thường. Sắc mặt Dung đại nhân rất lạ, ông mở vi tính, di chuyển con chuột, lát sau trên bàn đã tuồn ra một xấp giấy tờ công văn đã sếp gọn gàng. Mãi ông vẫn không nhìn cô, liên tục ho khan, hình như còn căng thẳng hơn cô.
Mao Lệ ngây ra nhìn, trong đầu điểm nhanh công việc của mình dạo này có gì sơ xuất, hay phạm lỗi gì. Nghĩ đi nghĩ lại, cảm thấy hình như chỉ có vụ đấu khẩu với với gã khùng Trương Phan có thể coi là có chuyện, bởi vì thời gian này cô dường như nghiêm túc hơn bao giờ hết, gần như chẳng có gì đáng nói.
“Chuyện này… ờ, bản kiểm điểm của cô tôi đã xem.” Dung đại nhân cuối cùng lên tiếng
Minh hieu khe